Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 358

  • Tổng 2.136.832

Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị: Đồng bộ, hiện đại, đột phá

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Phát triển đô thị được coi là động lực, là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Và trong xu thế chung của cả nước, Quảng Bình chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ và ngày càng hiện đại.

 Là trung tâm kinh tế-văn hóa xã hội của tỉnh, thời gian qua, thành phố Đồng Hới đã huy động nhiều nguồn lực; thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, thành phố đã huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ hệ thống giao thông, đường ống cấp nước, mạng lưới thoát nước đến hệ thống điện chiếu sáng…

Đến nay, tổng chiều dài giao thông đường bộ của thành phố là 552km; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 60%; tổng chiều dài toàn hệ thống chiếu sáng của thành phố là 268km; tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành được chiếu sáng đạt 100%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 75%.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết, không chỉ riêng thành phố Đồng Hới, trong những năm trở lại đây, công tác quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật ở tỉnh ta rất được chú trọng.

100% đường p100% đường phố chính khu vực nội thành Đồng Hới được chiếu sáng.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển đô thị trên địa bàn, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm nhất quán là phát triển đô thị phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; phát triển đô thị trên nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở thành phố, thị xã và thị trấn thuộc các huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị.

Nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, thời gian qua, Sở Xây dựng thường xuyên nghiên cứu tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản phân công, phân cấp quản lý liên quan đến công tác cây xanh, đường đô thị cũng như các quy chế quản lý hoạt động thoát nước, quản lý chất thải rắn; lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Sở cũng thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; phối hợp với UBND thành phố Đồng Hới tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị, cây xanh, điện chiếu sáng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch, dự án và giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: tập trung xây dựng thị trấn Kiến Giang, thị trấn Hoàn Lão mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV; hoàn thành rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Quy Đạt và vùng phụ cận; quy hoạch chi tiết điều chỉnh Khu trung tâm hành chính tỉnh; điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn; nâng cấp Quốc lộ I, xây dựng cầu Nhật Lệ II, đường Trần Hưng Đạo kéo dài, đường 60m xã Bảo Ninh và các án khu nhà ở phía bắc đường Lê Lợi, phía bắc đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Hải, Đức Ninh…

Sở cũng đồng thời tiếp tục thẩm định các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm chỉnh trang và phát triển các đô thị, đặc biệt là thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn, trong đó, tập trung vào các dự án khu đô thị mới, khu dân cư mới, khu nhà ở thương mại hay dự án vệ sinh môi trường và biến đổi khí hậu thành phố, thị xã, các trục đường chính trong đô thị.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2015-2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng khung, công trình đầu mối các đô thị; trong đó, tiếp tục quy hoạch và xây dựng thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Kiến Giang, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo và Khu kinh tế Hòn La thành 6 khu thương mại trung tâm lớn của tỉnh; ưu tiên thu hút đầu tư các tuyến đường kết nối các vùng tỉnh và các đô thị động lực của tỉnh thuộc các hành lang kinh tế; cải tạo nâng cấp nhà máy nước Phú Vinh; tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống thu gom nước thải; đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch…

“Sở Xây dựng sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng đô thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ; tham mưu cho UBND tỉnh các đề án phân loại đô thị, đề án nâng cấp đô thị theo quy định; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan có liên quan trong công tác lập và phê duyệt, quản lý các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.

 

Theo mục tiêu đến năm 2020, diện tích sàn nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 24,6m2 sàn/người; tỷ lệ dân được cấp nước sạch tại các đô thị đạt 97%; tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 90%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý đạt 60%; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam; tỷ lệ chiều dài các tuyến đường chính và khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đối với đô thị loại II đạt 100%; đất cây xanh đô thị, đối với đô thị loại II đạt 10m2/người.

Các tin khác