Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1037

  • Tổng 2.143.331

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Xem với cỡ chữ : A- A A+

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Ngay sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Nghị định số 41/NĐ thành lập Bộ Giao thông-Công chính làm nhiệm vụ quản lý Viễn thông, Bưu điện, Hỏa xa, Đường bộ, Đê điều và Kiến trúc. Trong bộ máy tổ chức của Bộ Giao thông-Công chính có Ty Kiến thiết đô thị và Kiến trúc, đây là tổ chức tiền thân của ngành Xây dựng Việt Nam sau này (Bộ Xây dựng hiện nay).

Tháng 10/1945, tỉnh Quảng Bình thành lập Ty Giao thông-Công chính. Lúc mới được thành lập Ty Giao thông - Công chính bao gồm: Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc kiêm quản lý nhà máy điện, nhà máy nước của Thị xã Đồng Hới.

Ngày 6/4/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định thành lập Nha Kiến trúc thuộc Bộ Giao thông-Công chính để phụ trách về nhà cửa, đường sá, điện nước, vệ sinh trong các đô thị và nông thôn. Tiếp theo đó, tháng 9 năm 1955 Quốc hội ra quyết định tách Bộ Giao thông-Công chính thành hai Bộ: Bộ Giao thông-Bưu điện và Bộ Thủy lợi-Kiến trúc.

Ở Quảng Bình, cuối năm 1955, Ty Giao thông-Công chính cũng được tách thành 2 cơ quan là : Ty Giao thông Vận tải và Ty Thủy lợi-Kiến trúc. Trong Ty Thủy lợi-Kiến trúc, bộ phận kiến trúc được tổ chức thành Phòng Kiến trúc do Ông Phạm Phác làm trưởng phòng.

Ngày 29/4/1958 Quốc hội quyết định tách Bộ Thủy lợi-Kiến trúc thành hai Bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc. Kể từ ngày này trở đi, Bộ Kiến trúc đã ra đời với chức năng quản lý Ngành Xây dựng Dân dụng- Công nghiệp, tồn tại với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập. Và cũng kể từ đây, ngành Kiến trúc Việt Nam (nay là ngành Xây dựng) đã lấy ngày 29 tháng 4 hằng năm làm ngày truyền thống của ngành mình.

Sau khi Bộ Kiến trúc được chính thức thành lập một thời gian không lâu, giữa năm 1958, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra quyết định thành lập Ty Kiến trúc Quảng Bình, tách ra từ Ty Thủy lợi-Kiến trúc trước đó. Ông Phạm Phác được cử làm Quyền Trưởng ty.

Đầu năm 1973, Nhà nước quyết định sáp nhập Bộ Kiến trúc và Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước thành Bộ Xây dựng. Ở Quảng Bình, giữa năm 1974, Ủy ban hành chính tỉnh ra Quyết định thành lập Ty Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Ty Kiến trúc và Phòng Xây dựng cơ bản.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành TW Đảng và Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh trong cả nước, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Ngày 1/5/1976, Ủy ban hành chính tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức công bố ra mắt trước nhân dân toàn tỉnh và ngày 20/5/1976, Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực ủy ban hành chính tỉnh Bình trị Thiên đã ra quyết định thành lập ngành và chỉ định Ông Trần Quang Minh-Nguyên Trưởng ty Xây dựng Quảng Bình làm quyền Trưởng ty.

Cuối năm 1980, thực hiện theo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 18/12/1980, Ủy ban hành chính  các cấp được đổi thành Ủy ban nhân dân. Các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh trước đây gọi là Ty được đổi thành Sở, Ty Xây dựng Bình Trị Thiên được đổi thành Sở Xây dựng Bình Trị Thiên.

Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, kể từ ngày 01/7/1989, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chính thức tái lập. Ngày 10/7/1989, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định số 80-QĐ/UB thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc ủy ban. Sở Xây dựng Quảng Bình do Ông Phan Minh Đức làm Giám đốc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dầu lực lượng còn rất ít nhưng cán bộ, nhân viên Kiến trúc Quảng Bình đã cùng với toàn ngành Giao thông, Công chính không quản ngại gian khổ hy sinh, tích cực hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện tiêu thổ kháng chiế, dựng chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của địch; tham gia xây dựng các chiến khu, căn cứ kháng chiến của tỉnh và các huyện, thị; cùng với các đoàn dân công mở đường vận tải lương thực, vũ khí phục vụ kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cùng với Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Kiến trúc trong Ty Thủy lợi-Kiến trúc hết sức nặng nề: từ khẩn trương xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh đến các công trình phục vụ nhân dân như bệnh viện, trường học, nhà ở, điện nước…

Ngành Kiến trúc Quảng Bình với vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ “Kiến quốc” đã nhanh chóng xây dựng và thiết kế quy hoạch thị xã Đồng Hới, tổ chức lực lượng thi công, sản xuất vật liệu xây dựng và cùng với lực lượng xây dựng cơ bản của các ngành Giao thông, Công nghiệp, Thương nghiệp mở ra hàng chụ công trình xây dựng từ Thị xã Đồng Hới đến các thị trấn huyện lỵ và vùng nông thôn. Nhiều công trình ghi dấu ấn của ngành Kiến trúc Quảng Bình đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương sau ngày được giải phóng.  

Trong thời kỳ chống chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ, thực hiện khẩu hiệu “ tay bay tay súng”, “ tay búa tay súng”, Ty Kiến trúc Quảng Bình đã tổ chức lực lượng tham gia thiết kế, thi công xây dựng hàng chục xí nghiệp công nghiệp địa phương nhằm đảm bảo công tác hậu cần tại chổ phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Bên cạnh đó ngành còn tổ chức một lực lượng chuyên thi công xây dựng nhà ở, hầm hào cho các cơ quan Tỉnh ủy, ủy ban các địa điểm sơ tán. Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, các kiến trúc sư, kỹ sư của ngành Kiến trúc Quảng Bình đã kịp thời nghiên cứu thiết kế đưa ra những kiểu hầm phòng tránh có sức chịu đựng  các loại bom đạn khi nổ gần và “ nhà hầm” phòng tránh bom bi nên đã góp phần hạn chế được thiệt hại khi địch đánh phá gây nên.

Các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng mặc dù bị địch đánh phá nhiều lần nhưng cán bộ, công nhân vẫn bám trụ kiên cường “ địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”. Hàng triệu khối đá do cán bộ, công nhân ngành xây dựng khai thác đã được chuyển đến các công trình để lấp sông, mở ngầm, xây bến bảo đảm cho mạch máu giao thông vận tải phục vụ chi viện chiến trường. Mỗi khối đá, mỗi viên gạch làm ra không chỉ đổi bằng mồ hôi mà còn có lúc đã phải đổi bằng xương máu của người công nhân sản xuất vật liệu xây dựng.

Vượt lên tất cả những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, cán bộ, công nhân, viên chức toàn ngành Kiến trúc Quảng Bình đã cùng nhau đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi vẻ vang.

Đất nước thống nhất, ngành Xây dựng Quảng Bình bước vào một thời kỳ mới: Thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh kết thúc nhưng hậu quả của nó để lại trên đất Quảng Bình hết sức nặng nề. Thị xã Đồng Hới, các thị trấn Ba Đồn, Hoàn Lão, Quán Hàu và nhiều vùng dân cư đã bị san bằng, nhân dân thiếu nhà ở, các cơ quan từ nơi sơ tán trở về thiếu nơi làm việc, thêm vào đó hệ thống bệnh viện, trạm xá, trường học sau chiến tranh chưa kịp xây dựng lại. Khó khăn chung của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình cũng là khó khăn riêng của ngành Xây dựng lúc này.

Phát huy truyền thống dũng cảm kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo trong những năm chiến tranh ác liệt, toàn ngành Xây dựng Quảng Bình đã nổ lực phấn đấu xây dựng công sở của các cơ quan, khôi phụ hệ thống trường học, trạm y tế và bắt đầu khởi công xây dựng Bệnh viện Hữu nghị-Việt Nam-Cu Ba-Đồng Hới và các xí nghiệp công nghiệp địa phương.

Trong 13 năm Bình Trị Thiên hợp nhất, ngành Xây dựng Quảng Bình lấy làm tự hào đã đóng góp cho ngành Xây dựng Bình Trị Thiên một lực lượng lớn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân xây dựng, là lực lượng nòng cốt trong thời kỳ xây dựng của Bình Trị Thiên cùng với những công trình đã đi vào lịch sử như: Nhà máy dệt Thủy Dương, Khách sạn Hương Giang II, Chợ Đông Ba, Sân vận Động, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba-Đồng Hới,  Các nhà máy Xi măng: áng sơn, Long Thọ, Đông Hà; các nhà máy gạch ngói Phu Thu, Hải Chánh, Thọ Lộc; Nhà máy điện Mỹ Cương 14000kvA; Trung tâm văn hóa Thành phố Huế...

Từ tháng 7 năm 1989 đến nay, toàn ngành xây dựng Quảng Bình đã không ngừng phát huy truyền thống quê hương “ Hai giỏi”, cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vượt qua biết bao khó khăn thử thách, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời kỳ đổi mới, ra sức đẩy mạnh các mặt công tác xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị; phát triển nguồn lực thi công; sản xuất vật liệu xây dựng và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng từ tỉnh đến xã phường. Kết quả hoạt động của toàn ngành Xây dựng Quảng Bình sau hơn 20 năm được tái lập tỉnh đã xóa dần hình ảnh một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém đang từng bước vươn lên trở thành một Quảng Bình giàu đẹp, có thành phố Đồng Hới khang trang, sầm uất, xứng danh tên gọi “ thành phố Hoa Hồng” và hàng ngàn công trình xây dựng đã làm thay đổi hẳn diện mạo của quê hương.

Với những thành tích xuất sắc trong những năm vừa qua, ngành Xây dựng Quảng Bình đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua của Nhà nước:

-03 Huân chương lao động (02 hạng nhì và 01 hạng nhất); 11 bằng khen của Chính phủ (tập thể 02; cá nhân 09).

-Đơn vị xuất sắc ngành Xây dựng năm 1991; 17 cờ thi đua, 506 bằng khen của Bộ Xây dựng và ủy ban nhân tỉnh; 615 Huy chương, Kỷ niệm chương …

* Giám đốc Sở Xây dựng qua các thời kỳ:

1. Phạm Phác (4/1958-3/1965)

2. Lâm Khai Thành (4/1965-12/1965)

3. Nguyễn Công Trừng (1/1966-4/1972)

4. Nguyễn Thế Khanh (5/1972-4/1973)

5. Trần Quang Minh (5/1973-8/1976)

6. Trần Sự (9/1976-1/1981)

7. Nguyễn Văn Đoái (12/1981-8/1986)

8. Phan Minh Đức (9/1986-4/1997)

9. Nguyễn Xuân Định (5/1997-7/2002)

10. Đặng Đức Dục (8/2002-4/2009)

11. Nguyễn Văn Quyết (5/2009- 2/2015)

12. Lê Anh Tuấn (3/2015 - 2/2023)

13. Lê Anh Đức, Phó Giám đốc, Phụ trách Sở Xây dựng (01/3/2023 - 29/3/2023)

14. Lê Anh Đức (30/3/2023 - nay)