Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 467

  • Tổng 2.204.158

Báo cáo Kết quả kiểm tra hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2015

Font size : A- A A+

 Thực hiện Kế hoạch Số 2714/KH-SXD ngày 06/10/2015 của Sở Xây dựng Quảng Bình về việc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 15/10/2015 đến ngày 25/11/2015 Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Đồng Hới đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; chất lượng vật liệu xây dựng tại 30 đơn vị, trong đó có 10 đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng; 08 đơn vị khai thác, kinh doanh cát xây dựng; 08 đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch tuynel; 01 đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch không nung và 04 đơn vị sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm (bêtông tươi).
Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế tại các khu vực khai thác, sản xuất; kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của phòng LAS - XD 685 thuộc Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra như sau:
I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Thực trạng về khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD
Quảng Bình có nguồn tài nguyên, khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng khá phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại như: đá vôi, đất sét sản xuất xi măng, cao lanh, gạch ngói, cát xây dựng, cát trắng sản xuất thuỷ tinh…Trong đó, nguyên liệu đá vôi, đá vôi xi măng, sét xi măng, gạch ngói và cát xây dựng chiếm tỷ trọng lớn. Với mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 160/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 tập trung phát triển công nghiệp để đưa công nghiệp là ngành trọng điểm phát triển của nền kinh tế. Phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng và chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu.
Thời gian qua, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Ngành sản xuất VLXD đã từng bước phát triển đúng hướng, ổn định sản xuất và đã khẳng định được vị thế của mình trong cán cân phát triển kinh tế của tỉnh. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, đầu tư, mở rộng, nâng cấp công suất; đổi mới công nghệ, tiếp cận công nghệ mới, sản phẩm mới...Cung cấp ra thị trường các sản phẩm VLXD có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng trong tỉnh và ngoại tỉnh, đồng thời giải quyết tốt công ăn, việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành sản xuất VLXD của tỉnh vẫn còn tồn tại một số bất cập, tồn tại về chất lượng, chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất....trình độ nguồn nhân lực nắm bắt tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản QPPL có liên quan còn yếu. Chủng loại các sản phẩm chưa phong phú, đa dạng; quy mô sản xuất còn manh mún, đầu tư thiếu đồng bộ; chất lượng một số sản phẩm chưa cao dẫn đến khó cạnh tranh với các sản phẩm của tỉnh khác và sản phẩm nhập khẩu. Lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu, nhất là lĩnh vực khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây...
Mặt khác, việc sản xuất mang tính tự phát, manh mún, không tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD, thói quen sử dụng vật liệu chậm thay đổi đã gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, chất lượng công trình xây dựng, vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh tài nguyên không tuân thủ quy hoạch, khai thác không phép dẫn đến thất thoát tài nguyên vẫn tiếp diễn khá phức tạp.
2. Những thuận lợi, khó khăn của các nhà đầu tư, các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh.
a) Thuận lợi:
- Ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo từ quyết tâm chính trị của các ngành, các cấp chính quyền, tại Nghị quyết 160/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh đã đề ra mục tiêu, tập trung phát triển công nghiệp để đưa công nghiệp trở thành ngành trọng điểm phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp vật liệu xây dựng; Trong quá trình hoạt động, các nhà đầu tư đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giải quyết, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành từ khâu triển khai dự án đến khi hoạt động;
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được cải thiện đáp ứng nhu cầu phát triển của các nhà đầu tư;
- Nguồn nguyên liệu, khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng phong phú, đa dạng và nguồn lực lao động dồi dào;
- Về cơ chế chính sách:
+ Các cấp, các ngành đã chú trọng ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
+ Có các chính sách hỗ trợ chuyển giao dây chuyền thiết bị sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân làm ăn hiệu quả góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
b) Khó khăn:
- Tuy nguồn lao động của tỉnh dồi dào nhưng lực lượng lao động được qua đào tạo nghề, đào tạo lại còn thiếu.
- Các thiết bị, hệ thống phụ trợ sản xuất tại địa phương còn thiếu, dẫn đến khó khăn cho các nhà dầu tư, các cơ sở sản xuất khi cần bảo trì, bảo dưỡng, thay thế dây chuyền, thiết bị...
- Chưa hình thành được các hiệp hội VLXD nhằm hỗ trợ và tương tác lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh (như hội vật liệu xây dựng của tỉnh).
- Một số thủ tục liên quan đến cấp phép Khai thác tài nguyên, quản lý chất lượng vật liệu xây dựng giữa các sở, ngành còn chồng chéo, mất nhiều thời gian.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA
1. Việc chấp hành các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD:
- Qua kiểm tra các đơn vị khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn, bên cạnh một số đơn vị đã cơ bản chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, từ khâu xin phép thăm dò khoáng sản, lập dự án đầu tư trình phê duyệt, lập thiết kế cơ sở, thiết kế khai thác mỏ, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thì vẫn còn một số đơn vị còn tồn tại những thiếu sót như: chưa có thiết kế khai thác mỏ được phê duyệt, chưa lập thủ tục thuê đất (chưa đảm bảo quyền sử dụng đất), sử dụng bố trí người phụ trách kỹ thuật sản xuất (hay giám đốc điều hành mỏ) chưa đủ năng lực theo quy định. Chưa tuân thủ các quy định có liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Đặc biệt là công tác thông báo tiêu chuẩn áp dụng, công tác chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 của Bộ Xây dựng thì tất cả các đơn vị được kiểm tra đều chưa thực hiện. Cụ thể đối với từng chủng loại vật liệu xây dựng như sau:
1.1 Đối với các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh cát, đá:
Trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng, Đoàn đã tổ chức kiểm tra 10 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Liên Hương (huyện Minh Hóa); Công ty TNHH khai thác đá Mai Thanh, Công ty TNHH XD & TM Hoàng Mai và Chi nhánh xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12 (huyện Tuyên Hóa); Công ty cổ phần khai thác và sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành; Công ty cổ phần khoáng sản Đá Việt (huyện Quảng Trạch); Công ty TNHH phát triển lâm nghiệp Ba Tâm (huyện Bố Trạch); Công ty TNHH Thế Thịnh 7 (huyện Quảng Ninh); Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn và Chi nhánh nhà máy ximăng Áng Sơn (huyện Lệ Thủy).
Trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh cát xây dựng, Đoàn đã tổ chức kiểm tra 08 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Trâm Hiếu (huyện Bố Trạch); Công ty TNHH Đức Toàn, Chi nhánh công ty TNHH kỹ thuật kiến trúc xây dựng Hoàng Gia, Công ty TNHH Miền Tây, Công ty TNHH Hùng Cường (huyện Tuyên Hóa); Công ty TNHH Thương Mại vận tải Hiền Ninh, Công ty TNHH Ngô Anh Tuấn (huyện Quảng Ninh); Công ty TNHH vật liệu xây dựng Phú Hà (huyện Lệ Thủy).
Tại thời điểm kiểm tra các đơn vị nêu trên, về cơ bản đã tiến hành hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh cát, đá xây dựng đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan: Khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh hoặc Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp phép; đã lập hồ sơ thiết kế khai thác mỏ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành khai thác; ra quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, quản lý kỹ thuật....Tuy nhiên, qua kiểm tra Đoàn đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc tại các đơn vị nêu trên như sau:
Công tác bổ nhiệm người làm giám đốc điều hành khai thác mỏ chưa đảm bảo về điều kiện năng lực theo quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 về h¬ướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng (Theo đó tại mục I.1.2.a quy định ngư¬ời phụ trách quản lý kỹ thuật sản xuất có trình độ cao đẳng trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo: công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá).
Qúa trình khai thác đá nguyên liệu tại khu vực mỏ của các đơn vị có góc nghiêng (α) của sườn tầng khai thác ở lớp đá là chưa đúng với thiết kế khai thác mỏ được duyệt.
Về quản lý chất lượng sản phẩm cát, đá dăm cốt liệu trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường: Tại thời điểm kiểm tra, tất cả các cơ sở khai thác, chế biến cát, đá đã chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng; chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, một số đơn vị như: Chi nhánh xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12, Chi nhánh nhà máy ximăng Áng Sơn khai thác, chế biến khoáng sản chưa phù hợp với Giấy phép được cấp (cụ thể: Giấy phép khai thác của 02 đơn vị này do Bộ Tài nguyên và Môi Trường cấp phép để khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, 02 đơn vị trên chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác tận thu nhưng vẫn sử dụng khoáng sản khai thác tận thu để chế biến ra sản phẩm đá làm vật liệu xây dựng và cung cấp ra thị trường); Tại Công ty TNHH Thế Thịnh 7, Công ty TNHH XD & TM Hoàng Mai, có vị trí khu vực chế biến (trạm nghiền sàng), khu vực phụ trợ đặt ngay trong khu vực khai thác mỏ như hiện nay là không đúng vị trí theo dự án đầu tư được duyệt và không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trong khai thác; Tại Công ty TNHH phát triển lâm nghiệp Ba Tâm chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho khu vực mỏ phụ trợ.
1.2 Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung:
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung (gạch tuynel), Đoàn đã tổ chức kiểm tra 8 đơn vị, gồm: Công ty TNHH TM và gạch ngói tuynel Cầu 4; Công ty cổ phần vật liệu xây dựng 1/5 (thành phố Đồng Hới); công ty TNHH Hương Hạnh; công ty cổ phần Chánh Hòa (huyện Bố Trạch); công ty cổ phần Cosevco Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa); Công ty cổ phần Hoàng Hương; công ty cổ phần Cosevco 1.5; Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng tổng hợp Minh Sơn (huyện Quảng Trạch).
Trong quá trình đầu tư dự án, khai thác nguyên liệu sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung, các cơ sở sản xuất gạch tuynel đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan về thực hiện dự án đầu tư và sản xuất, kinh doanh (phù hợp với giấy phép kinh doanh đã được cấp; dây chuyền công nghệ, đội ngũ công nhân phù hợp…). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các nhà máy, Đoàn kiểm tra đã phát hiện ra các sai sót trong quá trình khai thác nguyên liệu sản xuất gạch, trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm khi sản xuất, cung cấp ra thị trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật liệu, chất lượng công trình xây dựng.
- Về nguồn vật liệu của nhà máy để sản xuất gạch đất sét nung: Trong 08 đã kiểm tra, chỉ có 04 nhà máy (của các Công ty: Công ty TNHH Hương Hạnh; Công ty cổ phần Cosevco Lê Hóa; Công ty cổ phần Hoàng Hương; Công ty cổ phần Cosevco 1.5) có mỏ đất sét nguyên liệu được UBND tỉnh cấp phép. Các nhà máy còn lại hiện đang sử dụng nguồn đất sét không rõ nguồn gốc để sản xuất nên dẫn đến chất lượng của sản phẩm gạch không cao, thiếu đồng đều….Mặt khác, một số mỏ nguyên liệu đất sét đã được cấp cho các nhà máy có hàm lượng sét thấp nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
- Về quản lý chất lượng sản phẩm gạch đất sét nung trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường: Tại thời điểm kiểm tra, 08 nhà máy sản xuất gạch đã sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm, hàng hóa nhưng chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng; chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
1.3 Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm:
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế trên 300m3/giờ, gồm: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Nguyên Anh (xã Quảng Xuân - huyện Quảng Trạch); Công ty TNHH tư vấn xây dựng Khang Việt; Chi nhánh công ty TNHH TVXD Tiến Phát (thành phố Đồng Hới ) và Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Nguyên Anh II (Nam trạch – huyện Bố Trạch).
Trong quá trình đầu tư dự án, sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm có 02 công ty đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư dự án và sản xuất kinh doanh (giấy phép kinh doanh phù hợp; dây chuyền công nghệ đồng bộ) và có 02 công ty, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Nguyên Anh II và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Khang Việt chưa cung cấp được cho Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng các văn bản, giấy tờ liên quan đến quá trình đầu tư dự án.
Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm trên địa bàn tỉnh đều sử dụng các nguyên liệu đầu vào (cát, đá dăm cốt liệu) chưa được chứng nhận hợp quy, có thành phần hạt của cốt liệu thô không đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất bê tông.
Mặt khác, các cơ sở này sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm bê tông thương phẩm nhưng chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
2. Về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường.
2.1. Về việc đăng ký công bố chất lượng sản phẩm:
Tất cả các đơn vị được kiểm tra, chưa tiến hành đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
2.2 Về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất, kinh doanh của các đơn vị:
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra cùng với các đơn vị đã tiến hành lấy mẫu thí nghiệm chất lượng vật liệu, kết quả cụ thể như sau:
* Về cát xây dựng:
11 mẫu cát do Đoàn kiểm tra phối hợp lấy tại các cơ sở khai thác, chế biến, kinh doanh được kiểm tra có các chỉ tiêu cơ lý (hàm lượng bụi, bùn, sét; độ mặn…) chỉ tiêu về thành phần hạt đạt yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 7570 : 2006 Cốt liệu cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.
* Về gạch đất sét nung (gạch tuynel):
a) Hình dạng, kích thước:
- Hình dạng: Qua kiểm tra, lấy mẫu phân tích, đánh giá kết quả về hình dạng các mẫu gạch được lấy như sau: Độ cong vênh trong giới hạn cho phép, ít vết lồi lõm, ít rạn nứt. Bề mặt viên giạch không mịn, có một số vết sứt cạnh góc. Màu sắc viên gạch không được đồng nhất một màu đỏ sẫm.
- Kích thước hình học trung bình của các viên gạch cùng loại:
+ Tại thời điểm kiểm tra, kích thước của các loại gạch (dài x rộng x dày) đã lấy mẫu chưa đồng đều, có sai số lớn so với gạch tiêu chuẩn. Phần lớn các mẫu gạch (15/16 mẫu) có kích thước hình học là không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
+ Chiều dày thành ngoài lỗ rỗng đảm bảo (δn > 10mm), chiều dày vách ngăn giữa các lỗ rỗng đảm bảo (δt > 8mm).
b) Các chỉ tiêu về cơ lý:
- Cường độ bền nén gạch (mác gạch):
+ Các mẫu gạch đặc đất sét nung đã lấy mẫu có cường độ nén trung bình đạt Mác 10,0MPa so với tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 1451 : 1998.
+ Các mẫu gạch rổng ( 2 lổ, 6 lổ) đất sét nung đã lấy mẫu có cường độ nén của gạch đạt mác thấp (Rn < 3,5 MPa), chưa đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 1450 - 2009.
- Độ hút nước trung bình của các mẫu gạch, đạt theo tiêu chuẩn (W% < 16%).
* Về đá xây dựng:
- Thành phần hạt của đá dăm cốt liệu:
Qua kết quả thí nghiệm cho phần lớn các mẫu đá dăm cấp phối (13/14mẫu) Đoàn đã lấy tại các cơ sở sản xuất đá trong quá trình kiểm tra đều không đạt yêu cầu kỹ thuật so với TCVN 7570 – 2006 Cốt liệu cho bê tông và vữa – yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ thành phần hạt không đồng đều, hạt quá cỡ sàng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
- Các chỉ tiêu cơ lý:
Hàng lượng bụi, bùn, sét của các mẫu đá dăm đạt yêu cầu kỹ thuật; có (02/14 mẫu ) có tỷ lệ hạt thoi dẹt của đá không đạt theo yếu cầu.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
- Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đều chấp hành các quy định có liên quan của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng được kiểm tra: Trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh cát, đá, bê tông thương phẩm, các tổ chức, cá nhân đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan (hoạt động phù hợp với Giấy phép kinh doanh, khai thác cát, đá đã được cấp phép theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định số 124/2007/NĐ-CP; các thiết bị khai thác được đầu tư phù hợp với dự án đã). Có 03/14 cơ sở khai thác cát, đá bố trí người phụ trách quản lý kỹ thuật sản xuất phù hợp với Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng;
- Nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch đất sét nung của các nhà máy gạch trên địa bàn: Qua kiểm tra tại 08 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, chỉ có 04/08 cơ sở có giấy phép khai thác nguyên liệu đất sét để sản xuất gạch. Mặt khác, chất lượng của các mỏ đất sét đã cấp không được tốt dẫn đến chất lượng gạch không cao.
- Công tác chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản có liên quan: 100% các tổ chức, các nhân được kiểm tra chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
- Chất lượng các sản phẩm VLXD của các tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng được kiểm tra: Qúa trình kiểm tra Đoàn đã tổ chức lấy mẫu và thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của 15 tổ mẫu đá dăm xây dựng; 11 tổ mẫu cát xây dựng; 16 tổ mẫu gạch đất sét nung và 03 tổ mẫu gạch xây không nung, kết quả như sau:
+ Trong 15 tổ mẫu đá dăm xây dựng, chỉ có 01 mẫu đá (Công ty cổ phần Đá Việt ) đạt chỉ tiêu thành phần hạt so với tiêu chuẩn TCVN 7570 : 2006; 02 mẫu đá (Công ty TNHH TM Hoàng Mai và Công ty cổ phần Đá Việt) không đạt về chỉ tiêu hàm lượng hạt thoi dẹt.
+ Trong 16 tổ mẫu gạch đất sét nung, có 03 mẫu gạch đặc đạt mác M100 (cường độ chịu nén); 04 mẫu gạch rổng đạt mác M50 và 03 mẫu gạch rổng đạt mác M35. Về kích thước hình học chỉ có 01/16 mẫu gạch (Công ty cổ phần Cosevco 1.5) đạt yêu cầu về kích thước hình học.
+ 100% các mẫu cát (11 tổ mẫu cát) đã thí nghiệm có các chỉ tiêu cơ lý và thành phần hạt đạt yêu cầu theo TCVN 7570 : 2006 cốt liệu cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.
+ Có 01/03 tổ mẫu gạch xây không nung đạt yêu cầu về cường độ và 03/03 đạt yêu cầu về kích thước hình học theo TCVN 6477 : 2011 Gạch bê tông - yêu cầu kỹ thuật.
- Sở Xây dựng đã có thông báo kết quả đến các đơn vị được kiểm tra; yêu cầu các đơn vị tiến hành điều chỉnh các chỉ tiêu chưa đạt, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan và báo cáo Sở Xây dựng bằng văn bản.
IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:
Từ kết quả kiểm tra, căn cứ tình hình thực tế, những qui định của pháp luật, Sở Xây dựng:
- Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng còn lại trên địa bàn; tăng cường sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và cung cấp cho thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng.
- Tạo điều kiện cho các dự án nhà máy gạch tuynel đã xây dựng, sản xuất ổn định nhưng chưa được cấp mỏ sét nguyên liệu để sản xuất gạch tuynel.
- Giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu ban hành các văn bản:
+ Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng công trình tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu xây dựng; nghiêm túc thực hiện việc thí nghiệm chất lượng vật liệu đầu vào khi thi công xây dựng công trình;
+ Tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình xây dựng;
+ Yêu cầu các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng rà soát điều chỉnh các chỉ tiêu cơ lý, kích thước hình học để phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật; tổ chức công bố tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, người phụ trách kỹ thuật sản xuất có điều kiện năng lực phù hợp theo quy định tại thông tư số 11/2007/TT-BXD tuyển dụng hoặc đào tạo cán bộ cho đủ trình độ theo quy định;
+ Chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách, khuyến khích các chủ đầu tư khác sử dụng gạch không nung và các công trình xây dựng.
Trên đây là báo cáo Kết quả kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng, tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2015./.

(3418/BC-SXD ngày 30/12/2015)

More